Bát Tràng trăn trở giữ bản sắc làng nghề

lang-gom-bat-trang

Làng gốm Bát Tràng được coi là niềm tự hào của văn hóa Hà Nội. Nhưng trước những tác động của kinh tế thị trường, bản sắc gốm Bát Tràng đã ít nhiều bị mai một. Không ít lò gốm thay vì sản xuất các mặt hàng truyền thống, đã chuyển sang nhập hàng bán, hoặc làm những mặt hàng lai căng. Sự ra đời của Câu lạc bộ Nghệ nhân và thợ giỏi Bát Tràng được xem là một trong những nỗ lực trong việc gìn giữ bản sắc làng nghề.

Làng gốm bát tràng

Trước những tác động của kinh tế thị trường, bản sắc gốm Bát Tràng đã ít nhiều bị mai một. Không ít lò gốm thay vì sản xuất các mặt hàng truyền thống, đã chuyển sang nhập hàng bán, hoặc làm những mặt hàng lai căng. Sự ra đời của Câu lạc bộ Nghệ nhân và thợ giỏi Bát Tràng được xem là một trong những nỗ lực trong việc gìn giữ bản sắc làng nghề.

Xem thêm:

Làng Gốm Bát Tràng có lịch sử khoảng 1000 năm tuổi, gắn liền với sự ra đời của kinh thành Thăng Long. Với lợi thế về vị trí địa lý, chỉ cách trung tâm thành phố hơn mười km, giao thông đường thủy, đường bộ đều thuận tiện, nghề gốm Bát Tràng không chỉ là niềm tự hào của văn hóa Hà Nội, mà còn đem lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân địa phương. Xã Bát Tràng có hai thôn là Bát Tràng và Giang Cao, cả hai đều được công nhận là làng nghề cổ truyền của thành phố. Trong số 1.800 hộ gia đình của xã, có đến hơn 80% số hộ dân làm nghề gốm. Chưa kể, mỗi năm làng nghề còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động từ các địa phương khác. Với giá trị sản xuất toàn xã năm 2011 đạt 405 tỷ đồng, có thể coi đây là một trong những làng nghề giàu nhất cả nước.

Vẻ đẹp của gốm Bát Tràng được tạo nên bởi thứ xương gốm mầu trắng, bên ngoài phủ các loại men khác nhau. Mầu men chính là thứ tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của gốm Bát Tràng, với những loại men đã đi vào lịch sử của gốm Việt như: men ngọc, men lam, men trắng, men rạn, men búp dong, men nâu… và vô số những biến thể mầu sắc khác, được tạo ra qua hàng nghìn năm lịch sử. Sản phẩm của Bát Tràng vừa thể hiện sự khéo léo của nghệ nhân, vừa mang nét sáng tạo của người nghệ sĩ.

Thế nhưng, thời gian gần đây, những người yêu mến gốm sứ Việt nói chung, gốm Bát Tràng nói riêng, không khỏi chạnh lòng khi nhìn ngắm những sản phẩm bày bán trong những cửa hàng tại địa phương. Không ít sản phẩm là hàng nhập khẩu từ nước ngoài, hoặc được thu mua từ các làng gốm khác trong nước. Thậm chí, có cơ sở còn sản xuất hàng Bát Tràng “nhái” bằng cách nhập gốm sản xuất ở nơi khác, in nhãn Bát Tràng, rồi cho vào lò hấp, khiến khách hàng không tinh ý không thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Gốm Bát Tràng vốn có xương gốm mầu trắng (tức cao lanh, nên có thời làng nghề có tên Bạch Thổ phường). Nhưng giờ, khá nhiều gia đình sản xuất những mặt hàng gốm sành, tức loại gốm dùng cốt bằng đất sét, cho ra xương gốm đỏ hoặc nâu đỏ – đây  nét là đặc trưng của các dòng gốm Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh… Mặc dù không đồng tình với cách làm này của một số cơ sở sản xuất, song chính quyền địa phương và Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Bát Tràng cũng không thể cấm các cơ sở không được làm như vậy. Vì đã mở ra kinh doanh, ai cũng tính đến lợi nhuận.

Trước những thách thức ấy, việc gìn giữ và phát huy bản sắc của Bát Tràng trở nên cấp thiết. Những nghệ nhân Bát Tràng quan niệm cần phải lấy “xây” để “chống”. Việc tập hợp những nghệ nhân, thợ giỏi vào một tổ chức nghề nghiệp vừa tạo ra những điều kiện để những người làm nghề nâng cao tay nghề, phát triển sản xuất, khẳng định thương hiệu, đồng thời, cũng là biện pháp để loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong hoạt động sản xuất và kinh doanh tại làng nghề. Ðầu tháng 5, Câu lạc bộ Nghệ nhân và thợ giỏi Bát Tràng được thành lập, tập hợp 18 nghệ nhân và 85 thợ giỏi. Nhiệm vụ chủ yếu của Câu lạc bộ là giữ gìn, phát huy bản sắc làng nghề. Ông Lê Văn Lợi, Trưởng Ban đại diện làng gốm Bát Tràng cho biết: “Việc ra đời câu lạc bộ có ý nghĩa rất quan trọng trong khuyến nghề, khuyến tài đối với Bát Tràng. Nhân dân Bát Tràng chúng tôi giao nhiệm vụ cho những nghệ nhân có trách nhiệm dìu dắt đội ngũ thợ giỏi. Những người thợ giỏi phải chú trọng đào tạo, rèn tay nghề cho đội ngũ thợ trẻ. Có như vậy truyền thống mới được nối tiếp”.

Nghề gốm ở Bát Tràng ngày nay đã có nhiều đổi khác. Nếu như trước kia nghệ nhân vừa làm men, vừa trực tiếp chuốt, nặn sản phẩm thì nay, sự chuyên biệt hóa rất cao. Ðiều ấy đem lại nhiều lợi thế, khiến cho những nghệ nhân khẳng định được thế mạnh riêng của mình. Thí dụ như: Nghệ nhân Trần Ðộ có tiếng trong việc phục chế men cổ, đặc biệt là men thời Trần và sáng tạo nhiều mầu men riêng; Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn chuyên sâu về lĩnh vực phục chế gốm cổ, nhất là những bình gốm men rạn truyền thống đắp nổi họa tiết theo các tích cổ; Nghệ nhân Lê Minh Châu chuyên làm các loại bình cỡ lớn; Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình nổi tiếng về điêu khắc… Một số người thợ, tuy tuổi đời mới ngoài 30, nhưng tay nghề khá giỏi, là những giám đốc những doanh nghiệp lớn, thương hiệu được khẳng định trên thị trường như Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Tiến Ðạt… Bản thân các thương hiệu này phải cạnh tranh với nhau để phát triển. Khi tham gia Câu lạc bộ Nghệ nhân và thợ giỏi của Bát Tràng, mỗi hội viên vừa phải xây dựng thương hiệu riêng cho mình, vừa phải có trách nhiệm phát triển thương hiệu chung của làng nghề. Nói cách khác, đó là vấn đề liên kết trong sự cạnh tranh, cạnh tranh trong liên kết.

 Trong buổi ra mắt Câu lạc bộ Nghệ nhân và thợ giỏi Bát Tràng, Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Câu lạc bộ sẽ sinh hoạt đều đặn, xoay quanh các chủ đề chính như: sáng tạo mẫu mã, kỹ thuật đốt lò, kỹ thuật làm men, tổ chức các cuộc giao lưu với giới văn nghệ sĩ để có thêm ý tưởng sáng tác… Bên cạnh giữ bí quyết riêng, các nghệ nhân sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau về những vấn đề nêu trên. Câu lạc bộ cũng chú trọng vào việc truyền nghề giữa các thế hệ, vận động con em trong làng thi vào các trường mỹ thuật để các cháu đem kiến thức phục vụ cho nghề gốm. Ðây chính là một sự thay đổi lớn so trước kia. Theo nhiều nghệ nhân, trước đây mỗi gia đình, dòng họ thường giữ bí quyết sản xuất riêng của mình. Việc không có sự giao lưu, hợp tác giữa các lò gốm khác khiến một số hạn chế trong kỹ thuật sản xuất rất khó được khắc phục. Sự hợp tác giữa các nghệ nhân, thợ giỏi sẽ bổ khuyết cho những nhược điểm của từng thương hiệu, qua đó, góp phần phát triển thương hiệu chung của làng nghề.

Trong buổi ra mắt Câu lạc bộ Nghệ nhân và thợ giỏi Bát Tràng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu, các nghệ nhân, thợ ở Bát Tràng cần lưu ý, dù sản xuất sản phẩm bình dân hay cao cấp, luôn phải thể hiện bản sắc riêng của Bát Tràng. Như vậy mới nâng cao khả năng cạnh tranh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời xưa, người Bát Tràng đã để lại cho hôm nay những tác phẩm gốm rất giá trị. Người Bát Tràng ngày nay phải phấn đấu tạo ra tác phẩm có giá trị cao, không chỉ cho hôm nay mà còn cho cả sau này.

gomsudanlan hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích với bạn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *