Gốm làng xuất ngoại

gom-lang-xuat-ngoai

“Khuyến ngông” là cái tên mà người dân xã Tư Mại, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vẫn thường dùng để gọi anh Lưu Xuân Khuyến, chủ cơ sở sản xuất Gốm Làng Ngòi – dòng gốm có lịch sử chưa đầy 10 năm nhưng đã sánh cùng những cái tên như Bát Tràng, Phù Lãng có lịch sử mấy trăm năm.

gom-lang-xuat-ngoai-1
Gốm làng xuất ngoại

Dinh cơ của anh Khuyến nằm giữa cánh đồng heo hút, mấy gian nhà cấp 4 lợp ngói tôn cùng chiếc lò nung gốm cao chót vót. Người ta gọi anh là “Khuyến ngông” bởi anh có tính khí “chẳng giống ai”.

Thứ nhất, từ xưa đến nay ở cái làng quê nghèo này chưa từng có người theo học và làm nghệ thuật, vậy mà anh lại đi theo con đường này.

Thứ hai, khi phần đông đám thanh niên làng đang rời bỏ đồng ruộng ra thành phố tìm kế sinh nhai thì anh lại bỏ phố về quê, thuê đất lập nghiệp.

Thứ nữa, giữa lúc nghề gốm của cả nước đang bị điêu đứng trước kinh tế thị trường (năm 2000) thì anh lại tìm cách lao vào chính cái nghề ấy.

Xem thêm:

gom-lang-xuat-ngoai-2
Gốm làng xuất ngoại

Tất cả những điều đó khiến nhiều người không khỏi cảm thấy lo ngại cho anh. Gia đình, người thân khuyên can, nhưng vì “say” gốm, anh nhất định theo đuổi niềm đam mê cho kỳ được.

Sinh năm 1977, từ nhỏ, Khuyến đã thích vẽ tranh, nặn đất. Học hết phổ thông anh tự ôn thi và đỗ vào Khoa Gốm trang trí – Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.

Năm 2000, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, Khuyến được nhiều doanh nghiệp mời về làm việc với mức lương hấp dẫn, nhưng anh không ở lâu một chỗ.

Mấy năm trời “lang thang”, nay ở Bát Tràng (Hà Nội), mai ở Phù Lãng (Bắc Ninh), mốt lại về Đông Triều (Quảng Ninh)… để tìm hiểu về gốm, năm 2003, Khuyến quyết định xây lò gốm đầu tiên của mình ở Bát Tràng.

Những sản phẩm bị “sống”, vỡ, rộp của những ngày đầu lập nghiệp đã dần biến thành “chìa khóa” nghề của Khuyến. Khi đã được khách hàng biết đến, anh quyết định về quê với mong muốn thực hiện ước mơ “mang nghề gốm về làng”. Và, thương hiệu “Gốm Làng Ngòi” ra đời, gắn với sự nghiệp của Lưu Xuân Khuyến.

Khuyến cho biết: “Khác với gốm Bát Tràng chỉ vẽ và trang trí bằng màu, gốm Phù Lãng chỉ vuốt và dội men, gốm Làng Ngòi được trang trí bằng hoa văn nổi do chính bàn tay họa sĩ tạo nên”.

Các sản phẩm sáng tác theo các tích truyện dân gian như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, cô gái quan họ, cô gái dân tộc vùng cao…

gom-lang-xuat-ngoai-3
Gốm làng xuất ngoại

Các đề tài trang trí họa tiết tứ bình, tứ quý, Xuân – Hạ – Thu – Đông, tùng – cúc – trúc – mai… phong cách giản dị nhưng đậm đà bản sắc.

Những nét văn hóa dân gian dựa trên nền của tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, và đặc biệt văn hóa vùng miền của cả nước đã được Khuyến đưa vào sản phẩm.

Chính những điều đó đã giúp Gốm Làng Ngòi được khách hàng trong và ngoài nước ưa dùng. Gốm Làng Ngòi đã được mời tham gia hàng trăm cuộc hội chợ, triển lãm trong nước.

Đặc biệt, tại thời điểm diễn ra hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 tại Hà Nội, sản phẩm của Khuyến vinh dự có một gian trưng bày trong khu vực “Hình ảnh APEC và đại diện văn hóa Việt Nam”.

Đến nay, sản phẩm Gốm Làng Ngòi đã xuất hiện tại nhiều công trình ở khắp mọi miền đất nước, nhiều mẻ hàng đã được xuất sang Nhật, Dubai, Ai Cập, một số nước Châu Âu…

Năm 2007, Lưu Xuân Khuyến vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của… Niềm đam mê gốm sứ cộng tinh hoa từ đôi bàn tay người nghệ sĩ đã giúp Lưu Xuân Khuyến tạo nên thương hiệu Gốm Làng Ngòi, với những nét riêng không thể lẫn với bất cứ dòng gốm nào khác…

gomsudanlan hy vọng thông tin bài viết trên sẽ hữu ích với bạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *